Chính sách tiền tệ và phúc lợi của người nghèo

Romer and Romer (1998) nghiên cứu về vai trò của chính sách tiền tệ với sự nghèo đói và bất bình đẳng trong ngắn hạn và dài hạn. Sử dụng chuỗi dữ liệu của nước Mỹ, hai tác giả chỉ ra rằng một chu kỳ tăng trưởng bắt nguồn từ chính sách tiền tệ nới lỏng thường đi kèm với những điều kiện được cải thiện cho người nghèo trong ngắn hạn. Tuy nhiên, căn cứ vào dữ liệu chéo của nhiều quốc gia, Romer and Romer chỉ ra rằng lạm phát thấp và tăng trưởng tổng cầu ổn định thường đi kèm với sự cải thiện phúc lợi của người nghèo trong dài hạn. Bởi vì hiệu ứng chu kỳ của chính sách tiền tệ là ngắn, nên chính sách tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp và tổng cầu ổn định nhiều khả năng cải thiện cuộc sống của người nghèo về mặt lâu dài.

Download bài nghiên cứu ở đây

Đầu tư ở Việt Nam

Vừa mới đọc ở website viện Peterson có một bài viết ngắn về đầu tư ở Việt Nam nhân dịp chính phủ Việt Nam thông báo kế hoạch xóa bỏ trần tỷ lệ của sở hữu nước ngoài ở một số công ty đại chúng nhất định (Nghị định số 60 và có hiệu lực từ tháng 9/2015). Lý do chính cho sự nới lỏng này mà bài viết đưa ra là những nỗ lực tư nhân hóa các công ty nhà nước đang gặp phải những khó khăn nhất định do thiếu các nhà đầu tư và thiếu vốn. Do vậy với sự thay đổi này, chính phủ dường như kỳ vọng sự tăng lên của đầu tư nước ngoài.

Investment

Nguồn: Tổng cục thống kê

Hình trên cho thấy đầu tư nước ngoài (DTNG) hiện đóng góp khoảng 20% tổng đầu tư. Dễ nhận thấy, năm 2007-2008, con số này đạt khoảng 30%, mức cao nhất từ đầu năm 2000 cho đến nay, có thể do ảnh hưởng từ việc gia nhập khối WTO. Sau “Tuần trăng mật” này, tỷ trọng của DTNG giảm dần. Một số nguyên do bề mặt của sự suy giảm này có thể liệt kê như:

+ Suy thoái kinh tế toàn cầu.

+ Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy môi trường cạnh tranh của Việt Nam không được cải thiện nhiều trong những năm gần đây.

Hai lý do này có ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công của việc “gỡ trần” lần này: (i) Tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu (có một vài dấu hiệu tích cực, nhưng còn nhiều rủi ro, đặc biệt là vấn đề của Hy Lạp gần đây) và (ii) sự cải thiện môi trường đầu tư. Cả hai yếu tố này đòi hỏi thời gian, nên ít có khả năng sẽ có sự gia tăng “đột biến” của vốn đầu tư sau khi nghị định 60 có hiệu lực vào tháng 9 này.

Mặt tích cực của nghị định 60 là góp phần thu hút nguồn lực vốn để phát triển kinh tế. Đây là điều cần thiết, đặc biệt trong điều kiện kinh tế hiện nay. Nhưng điều quan trọng hơn là chính là việc đảm bảo tính ổn định và lâu dài của dòng vốn này. Bởi sự gia tăng của dòng vốn nước ngoài luôn đi kèm với những rủi ro vĩ mô, ví dụ như tăng trưởng nóng tín dụng và giá tài sản hay nguy cơ rút vốn. Do vậy, đảm bảo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định là điều kiện tiên quyết.

Liệu giảm thuế có dẫn đến tăng trưởng kinh tế?

wpid-einstein-tax-quote2

Nguồn ảnh: https://taxnewsonlinereport.wordpress.com

Bài viết này tóm tắt những vần đề được thảo luận bởi Gale và Samwick (2014). Cụ thể, hai tác giả bàn về những tác động của thay đổi thuế thu nhập vào tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung vào hai vấn đề: (1) giảm thuế thu nhập cá nhân và (2) cải cách thuế thu nhập.

Kết luận chính của nghiên cứu là:

  • Giảm thuế có 2 hiệu ứng (điều này có thể suy luân được từ lý thuyết kinh tế) :

+ Hiệu ứng thay thế: Các khoản thu nhập sau thuế có được từ làm việc, tiết kiệm và đầu tư tăng lên. Do vậy thúc đẩy nỗ lực làm việc, tiết kiệm và đầu tư.

+ Hiệu ứng thu nhập: Vì thu nhập tăng lên nên có khuynh hướng giảm làm việc, tiết kiệm, và đầu tư.

Hai hiệu ứng này có tác động trái ngược nhau lên hoạt động kinh tế: Hiệu ứng thay thế góp phần gia tăng, còn hiệu ứng thu nhập lại làm giảm đi.

  • Giảm thuế và giảm chi tiêu:

Nếu giảm thuế không đi đôi với giảm chi tiêu, sẽ dẫn đến việc gia tăng vay mượn của chính phủ. Một trong những hệ lụy là sự suy giảm của tiết kiệm quốc gia, dẫn đến nguồn lực vốn bị suy yếu. Điều này có hại đối với tăng trưởng dài hạn của quốc gia.

Nghiên cứu đã cung cấp dẫn chứng lịch sử và phân tích mô phỏng chỉ ra rằng: giảm thuế mà không cắt giảm chi tiêu ngay sẽ có ít tác động đến tăng trưởng. Ngược lại, giảm thuế đi kèm với cắt giảm những chi tiêu mà không hiệu suất sẽ tăng sản lượng của nền kinh tế.

  • Cải cách thuế

Thông thường mọi người hay giả định rằng cải cách thuế (giảm thuế và mở rộng cơ sở thu thuế[1] (tax base)) sẽ tăng quy mô nền kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên điều mà ít được chú ý là: mở rộng cơ sở thu thuế bằng cách cắt giảm hoặc xóa bỏ chi tiêu thuế (tax expenditures)[2] sẽ tăng mức thuế hữu hiệu, do vậy đi ngược với chính sách giảm thuế. Nhưng, mở rộng cơ sở thuế giúp phân bổ lại nguồn lực từ các khu vực được ưu tiến thuế đến những khu vực có lơi tức kinh tế (trước thuế) cao nhất.

  • Liệu giảm thuế có dẫn đến tăng trưởng kinh tế

Chính sách thuế được thiết kế tốt có tiềm năng để tăng sản lượng, tuy nhiên không thể bảo đảm rằng tất cả những thay đổi thuế sẽ có hiệu ứng tích cực vào hoạt động kinh tế. Một chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng gồm có những đặc điểm sau:

  • Hiệu ứng thay thế lớn, trong khi đó hiệu ứng thu nhập nhỏ.
  • Giảm mức độ méo mó giữa các khu vực kinh tế hoặc giữa các mức độ thu nhập và tiêu dùng.
  • Thâm hụt ngân sách tăng ít.

[1] Cơ sở thuế (Tax base): Tổng giá trị tài sản tài sản hoặc doanh thu mà chính phủ đánh thuế.  Một ví dụ của mở rộng cơ sở thu thuế (broadening the tax base) là giảm mức thu nhập bắt đầu đánh thuế (từ mức thu nhập 60 triệu/năm xuống mức 20 triệu/năm).

[2] Chi tiêu thuế (Tax expenditures): gồm các hoạt động miễn, giảm thuế đối với những nhóm cá nhân hoặc hoạt động nhất định.

Nguồn:

Gale, William G., and Andrew A. Samwick. “Effects of income tax changes on economic growth.” Brookings (2014).